Vai trò của Thời gian tiêu chuẩn
Có lẽ không ai có thể phủ nhận vai trò của Công việc tiêu chuẩn nói chung và thời gian tiêu chuẩn nói riêng đóng góp cho sự phát triển của ngành công nghiệp hiện tại. Xét riêng về thời gian tiêu chuẩn, bản thân nó có sự ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý/quản trị của các nhà máy. Chúng ta có thể sử dụng thời gian tiêu chuẩn để
- Tính toán hiệu suất của line, nhà máy
- Tính toán hiệu qủa sử dụng nguồn lực
- Tính lương
- Cơ sở để cải tiến
- Cơ sở để lập kế hoạch sản xuất
- Cơ sở báo giá
- Cơ sở để thiết lập CAPA cho nhà máy….
- Tính toán giá thành
- ……….
Các phương pháp thiết lập thời gian tiêu chuẩn
Tuy nhiên, một thực trạng mà có lẽ nhiều Anh Chị Em cũng giống như Khải mắc phải đó là: Làm sao để thiết lập một thời gian tiêu chuẩn “Chính xác”, sự chính xác đó còn có nghĩa là đảm bảo sự công bằng, khách quan trong việc xác định định mức sản lượng/mục tiêu sản lượng. Nói về việc này, tất nhiên dưới góc độ của khoa học quản lý và kỹ thuật công nghiệp không hề khó, Khải xin điểm qua một số phương pháp thiết lập thời gian tiêu chuẩn và cũng xin chú ý rằng sự chính xác tuyệt đối đều là “xa xỉ” trong thiết lập thời gian tiêu chuẩn.
- Phương pháp thống kê: đặc thù phương pháp này là dựa trên dữ liệu lịch sử và ước tính bằng kinh nghiệm. với phương pháp thống kê tỏ ra khá đơn giản nhưng số liệu ít độ tin cậy, không khách quan và không thể giúp cải tiến.
- Phương pháp quan trắc: Phương pháp này dựa vào việc đo lường thời gian thông qua bấm giờ, đo thời gian bằng video hoặc sampling. Mặc dù phải sử dụng đến kỹ thuật cao hơn phương pháp thống kê, nhưng đây cũng là phương một pháp đơn giản để có thể triển khai, và thực tế hiện nay doanh nghiệp đang triển khai rất nhiều theo hình thức này. Một nhược điểm của phương pháp này là vẫn có nhiều sai số tích lũy, chưa thực sự khách quan bởi cách lấy mẫu và nhân rộng. Ngoài ra, phương pháp này vẫn chưa thể tính được thời gian tiêu chuẩn trước khi đưa vào sản xuất (kể cả sản xuất mẫu)
- Phương pháp tổng hợp: Một kỹ thuật được biết đến là PTS (Predetermined Time Standards) – Tiêu chuẩn thời gian được xác định trước. Đây là một kỹ thuật được biết đến với một số biến thể như: RWF (Ready Work-Factor); MTM (Method Time Measurement) hay MODAPTS (MODular Arrangement of PTS). Trong đó kỹ thuật MODAPTS là thông dụng nhất. Các kỹ thuật này thiết lập một quy ước về định mức thời gian dựa trên thời gian chuyển động của các bộ phận trên cơ thể con người (phát triển từ công thái học), và các thời gian đó là tiêu chuẩn. Việc còn lại, chúng ta cần xác định xem có các chuyển động nào của cơ thể, từ đó chúng ta xác định được tổng thời gian cần thiết cho công việc đó. Với phương pháp này sẽ phức tạp để hiểu và sử dụng, nhưng khi đã vận dụng thành thục sẽ rất hữu dụng và tin cậy để sử dụng rộng rãi. Đây cũng là số liệu khách quan để nội bộ doanh nghiệp thống nhất trong công việc.
Kết luận
Tùy theo từng đặc thù của doanh nghiệp, mỗi loại hình sản xuất lại lựa chọn 1 hoặc 2 trong 3 loại hình phương pháp ở trên để áp dụng. Tuy nhiên không thể phủ định rằng nếu có một số liệu thời gian tiêu chuẩn chính xác và khách quan, việc quản lý sẽ trở nên dễ dàng hơn.